Xu hướng mới dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non và tiểu học – Nguyễn Quốc Hùng M.A

“Xu hướng mới dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non và tiểu học” được xuất bản gần đây (2020), nội dung cập nhật khá mới, đáp ứng được phần nào các câu hỏi liên quan tới việc học tiếng Anh cho nhóm đối tượng trẻ em. Người đọc phù hợp nhất cho quyển sách này là những người đang dạy học và các phụ huynh cần tìm hiểu sâu hơn về việc dạy tiếng Anh cho con em.

TÁC PHẨMXu hướng mới dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non và tiểu học
TÁC GIẢNguyễn Quốc Hùng M.A
THỂ LOẠIGiáo dục, Anh văn
NHÀ XUẤT BẢNNXB Phụ Nữ Việt Nam
NĂM XUẤT BẢN2020
SỐ TRANG118
NƠI MUATiki
GIÁ BÌA55.000 VNĐ
Xu-Huong-Moi-Day-Tieng-Anh-Cho-Tre-Mam-Non-Va-Tieu-Hoc-1-Phuongthengoc-scaled.jpg
Xu hướng mới dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non và tiểu học

Nên cho trẻ học tiếng Anh từ mấy tuổi?

Câu hỏi này có nhiều câu trả lời, việc cho trẻ bắt đầu học từ lứa tuổi nào tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là điều kiện học và khả năng của trẻ. Hơn nữa, chất lượng học của trẻ cũng được quyết định bởi các yếu tố như môi trường học, giáo trình học, trình độ người thầy….

Theo tác giả Nguyễn Quốc Hùng, có nhiều quốc gia đã dạy tiếng Anh từ lớp 1, nhưng cũng có một số quốc gia có hướng đi khác như: Indonesia đưa tiếng Anh khỏi chương trình giáo dục tiểu học, Hàn Quốc dừng dạy tiếng Anh ở lớp 1, 2….

Trên thực tế, một số nơi ở Việt Nam đã dạy tiếng Anh từ lớp 1, một số nơi từ lớp 3, và nhiều nơi dạy từ lớp 6. Tuy nhiên phổ điểm tiếng Anh khi thi Đại học vẫn còn khá thấp. Trong quá trình dạy học của tôi, có nhóm lớp 12 chuẩn bị thi Đại học nhưng vẫn không biết được những từ tiếng Anh cơ bản như hospital, weather, beautiful... (các bạn đã học tiếng Anh từ lớp 3), việc này làm lãng phí rất nhiều thời gian, tiền bạc, công sức của các bạn, gia đình và xã hội.

Ngoài ra theo thầy giáo Nguyễn Quốc Hùng, thanh niên/trung niên vẫn có thể học và sử dụng ngoại ngữ ở mức tốt. Theo công trình nghiên cứu của giáo sư Antonella Sorace, Đại học Edinburgh và Nghiên cứu song ngữ (University of Edinburgh & Bilingualism Matters): “Học ngoại ngữ có thể thành công ở bất cứ lứa tuổi nào và lúc nào cũng có tác động tích cực vào não bộ (Successful language learning is possible across lifespan and is always good for the brain). Không phải mọi thứu đều xuống dốc theo tuổi tác (Not everything goes downhill with age)”.

Học ngoại ngữ có thể thành công ở bất cứ lứa tuổi nào và lúc nào cũng có tác động tích cực vào não bộ.

Antonella Sorace
Xu-Huong-Moi-Day-Tieng-Anh-Cho-Tre-Mam-Non-Va-Tieu-Hoc-2-Phuongthengoc
Quyển sách của tác giả Nguyễn Quốc Hùng, M.A

Học tốt ngoại ngữ cần mấy yếu tố?

Theo thầy Nguyễn Quốc Hùng, để đạt được thành công trong việc học ngoại ngữ, cần 4 yếu tố chính

1. Mục đích học ngoại ngữ (language learning purposes)

Mục đích càng rõ ràng thì hiệu quả học càng cao. Người học nên đặt mục tiêu vừa sức hoặc cao hơn khả năng của mình một chút.

2. Sự kiên trì, tập trung (patience and attention)

3. Phương pháp học đúng đắn, thích hợp (appropriate methodology)

Bất kỳ mục đích học là gì cũng cần phải học đủ 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc và viết. Nhưng nếu học để nghiên cứu thì tập trung vào đọc và viết, nếu học giao tiếp thì tập trung vào nghe và nói.

Chương trình học và Giáo trình học cũng đóng vai trò rất quan trọng. Một giáo trình lý tưởng để dạy trẻ em là giáo trình phù hợp với trẻ, được cập nhật những tri thức mới và có tính hiệu quả cao. Hiện nay có rất nhiều giáo trình mới, người giảng dạy cần căn cứ vào nhiều yếu tố như văn hóa địa phương, quốc gia; độ tuổi và khả năng học của trẻ… để chọn giáo trình phù hợp.

4. Xác định đầu ra khả thi (executive output)

Việc xác định đầu ra sẽ giúp người học có lộ trình học phù hợp với năng lực. Tác giả Nguyễn Quốc Hùng M.A cũng chỉ rằng việc học để nói như người Anh (native-like speaker) là không khả thi.

Ngoài các yếu tố trên, thì yếu tố môi trường cũng là một phần rất quan trọng, có hai loại môi trường khi học ngoại ngữ:

  • Môi trường nhân tạo (artificial environment): đây là môi trường lớp học.
  • Môi trường ngôn ngữ tự nhiên (informal linguistic environment): học thông qua thực hành, trải nghiệm trong đời sống hàng ngày.

Cả hai môi trường này đều có mối quan hệ hỗ trợ lẫn nhau. Theo người viết review, môi trường học ngoại ngữ lý tưởng là kết hợp cả hai môi trường trên với nhau.

Xu-Huong-Moi-Day-Tieng-Anh-Cho-Tre-Mam-Non-Va-Tieu-Hoc-3-Phuongthengoc
Để đạt được thành công trong việc học ngoại ngữ, cần 4 yếu tố chính

Học tiếng Anh để nói như người bản ngữ: Có cần không?

Theo tác giả, những năm 1980 người ta cho rằng người học tiếng Anh phải đạt trình độ nói như người bản ngữ (native-like speaker), nhưng đến hiện nay, người học tiếng Anh chỉ cần phát âm rõ ràng, ổn, tốc độ nói trung bình (~110 từ/phút), không cần nhanh như người bản ngữ là đạt.

Hiện nay, người học tiếng Anh chỉ cần phát âm rõ ràng, ổn, tốc độ nói trung bình, không cần nhanh như người bản ngữ là đạt.

Nguyễn Quốc Hùng M.A

Ngoài ra, khái niệm tiếng Anh chuẩn cũng cần phải xem xét lại. Vì theo tác: “trên thực tế không có hệ thống phát âm chuẩn cho người Anh.” Tiếng Anh chỉ có hệ thống phát âm RP (Received Pronunciation), còn gọi là BBC English – theo các thống kê không chính thức thì số lượng người Anh nói RP chỉ là 3-10%.

Có cần dạy IPA cho trẻ em?

Tác giả cho rằng không nên giữ thói quen dạy học sinh phiên âm IPA vì như vậy tương đương với việc dạy thêm một hệ thống chữ cái, vượt ngoài khả năng của trẻ.

Đối với người viết bài này, tôi đang lên kế hoạch dạy IPA như một phần nhỏ trong bài học để giúp trẻ có cách phát âm tốt hơn, và chỉ dạy khi trẻ đã quen với tiếng Anh và tích trữ được một lượng từ vựng nhất định (300-500 từ). Tuy nhiên, tôi vẫn sẽ nghiên cứu kỹ hơn để có hiệu quả học tốt nhất.

Xu-Huong-Moi-Day-Tieng-Anh-Cho-Tre-Mam-Non-Va-Tieu-Hoc-4-Phuongthengoc
Phát âm rõ ràng, ổn, tốc độ nói trung bình là đạt.

Đánh giá quyển “Xu hướng mới dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non và tiểu học”

Nhìn chung “Xu hướng mới dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non và tiểu học” của tác giả – thầy giáo Nguyễn Quốc Hùng M.A phù hợp cho người dạy tiếng Anh nói chung và người dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non và tiểu học nói riêng. Quyển sách được viết với những dẫn chứng khoa học đầy đủ, mặc dù thiên về nghiên cứu lý luận, nhưng nội dung vẫn khá thực tế và không khó đọc.

Quyển sách cũng cung cấp một số thông tin về cách dạy tiếng Anh (các trò chơi, phương pháp dạy…), đồng thời tác giả cũng gợi ý thêm một số đầu sách để tham khảo. Đây là một quyển sách đáng mua cho những người quan tâm đến chủ đề dạy tiếng Anh.

1.0-Sao-Phuongthengoc

Tìm hiểu cách đánh giá tác phẩm sách của tôi

Các quyển sách 1.0 sao tương tự