Không đủ sức ghi âm podcast.
Bài viết không có ảnh.
Cuối năm, ngay lúc này, tôi chuẩn bị bị bịnh, có lẽ vì hồi trưa tôi ngồi phòng lạnh 24 độ, và đi ra ngoài 34 độ, mấy bữa nay đi dạy tôi cũng tiếp xúc với mấy em bị cảm, tôi cũng vừa từ xứ lạnh trở về. Mọi điều kiện thật lý tưởng cho một người có đề kháng yếu như tôi.
Một vài năm qua, tôi nhận ra mình không biết gì cả, mình dốt và đần, mình dành 20 năm cuộc đời để học mớ lý thuyết, nào là Thành công, Thất bại, nào là Chăm chỉ, Nỗ lực, nào là Vượt qua khó khăn, Vượt lên nghịch cảnh… mọi lời lẽ thật kêu, y chang một kẻ đang kêu gọi người ta đi theo mình.
Rồi khi cơn ngộ nhận đi qua, tôi nhận ra thực tế thật tàn và khốc, mỗi lần được trải nghiệm từng khó khăn, cái mà tôi có thể đưa ra một trăm câu châm ngôn để vỗ về, là một lần xác thân như xát muối. Ngày càng ngày, câu châm ngôn duy nhất còn lại của tôi là: thấy sao được thì làm. Ngày càng thêm ngày, tôi nghĩ mình nên câm họng lại, vì mọi câu châm ngôn, khi đọc xong là để quên đi.
Tôi lục trong đống giấy vụn ký ức, là một tôi-lớp-9 nghe vài video self-help, đọc vài quyển sách self-help, đi kể lể cho chị tôi-đi-làm-được-10-năm nghe về việc phải đối mặt với thất bại ra làm sao, thật buồn cười. Một tôi lớp 12, viết những bài văn về thành công thất bại. Một tôi năm 1, gửi một bài văn về nghịch cảnh cho một tờ báo, với hi vọng tràn trề nhận nhuận bút.
Thời sinh viên năm 1-2-3 đời dạy tôi nhiều nhất, hơn cả 17 năm trước đó, thậm chí hơn cả 17 năm đó nhân lên 2 lần. Tôi được trải nghiệm biết bao nhiêu là châm ngôn, tôi tự tạo ra tôn giáo riêng cho mình, trong đó tôi là người khai sáng và cũng là con chiên Ngoan đạo. Và những năm tháng đại học qua đi, tôi lại tiếp tục trải nghiệm những sự kiện cuộc đời của một kẻ trưởng thành, với những bài học đớn đớn đau đau hơn nữa. Và tôi càng thấy mình phải im cái miệng đi.
Trong trán tôi nhưn nhứt, như đeo một cái vòng kim cô, nước mũi chảy dần xuống cuống họng tôi, Tôi nghĩ về sự ổn định, bằng một chút sức lực còn lại.
Sự ổn định là điều người ta hướng tới, công việc ổn định, tiền bạc ổn định, gia đình ổn định, tâm thần-thể chất ổn định. Có lẽ sống trong một thế giới biến động suốt lịch sử, nên người ta khát khao sự ổn định. Và sự ổn định này càng là thứ được mưu cầu đối với những người bước ra từ chiến tranh.
Nhưng tôi nhìn vào chiều dài lịch sử nhân loại, chưa từng lúc nào trên tinh cầu này, người ta dừng chiến tranh xung đột, tôi nhìn vào chiều dài lịch sử Việt Nam, chưa từng lúc nào trên dãy đất này ổn định được lâu. Tôi nhìn vào chiều dài của một đời người, thật khó tìm được người chưa từng trải qua thăng trầm biến cố, tôi nhìn vào chiều dài đời tôi cho đến lúc này, hiếm có lúc nào bình yên, vì tôi biết quãng bình yên là sau cơn bão, hoặc quãng bình yên là chuẩn bị đón bão.
Tôi không thể thay đổi thế giới theo cách để tôi có thể ổn định, thậm chí sự ổn định của tôi có thể bị phát hủy vì một con bướm đập cánh từ Phi châu.
Hay chăng, mọi người đều mưu cầu sự ổn định, và sự mưu cầu của người này sẽ xô xát với nhu cầu người kia, tạo nên một bức tranh ghép từ lộn xộn giẫm đạp? Sự ổn định là gì, tôi đang tìm sự ổn định để làm gì, vì ổn định cơ bản là không thay đổi, không lên, cũng không xuống, nghĩa là, sự ổn định tối thượng và lý tưởng nhất, là khi người ta hóa thành tro bụi.
Thật điên, ngay cả tôi cũng khó ngồi một chỗ mãi, không ở Tây Ninh tôi cũng bang xuống Saigon, không ở Saigon tôi cũng phóng ra Hà Nội, thật khó gặp tôi mãi ở một nơi, càng thật khó để tâm trí tôi ngừng nhảy. Tôi nhận ra, ngay cả tôi còn khó ổn định, nói chi đến việc mong cầu một cuộc đời ổn định.
Nhiều người đến rồi đi, nhiều vật sẽ có rồi mất, nhiều sự kiện đã qua, đang diễn ra và sẽ đến. Tôi không biết được những con đường phía trước đưa tôi về đâu, tôi dần cảm nhận tôi như môt kẻ lưu đày đọa lạc trần gian, tôi không thể than thở quở trách đời, trách người, tôi càng chẳng thể quỳ gối cầu xin ổn định trước cái mênh mông cao rộng. Điều duy nhất tôi có thể làm, là học cách đối diện, tìm giải pháp xử lý, hoặc như một đám mây yên lặng chờ thời gian trôi, dù cho nhẹ nhàng, dù cho đau xót.
Năm cuối Đại học, cô dạy Văn Học Trung Quốc từng nói với chúng tôi, tụi con trai hãy đọc Tam Quốc Diễn Nghĩa, để hiểu đời, hiểu người, để biết cách sống. Lúc đó tôi không thích bài này, vì đó là bài tập giữa kỳ. Có lẽ nay đã đến lúc bắt đầu đọc.
Hy vọng 2025 tôi sẽ học được nhiều bài học giá trị, và nhận được những gì xứng đáng.
Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế