“Tháng mười một 1965. Tôi ngồi một ngày không rõ thứ sáu hay chủ nhật. Bên kia cửa sổ tôi xanh, có sáu cây bàng rụng lá, và nhiều căm nhông quân sự đậu, có tháng mười một vắng lặng. Để chờ những cơn bão chưa tới”.
Những ngã tư và những cột đèn – Trần Dần.
“Hóa ra là quá khứ và tương lai chiếm hết cả chiều dài thời gian, hiện tại chẳng là cái gì, chỉ là một cái chớp mắt, chỉ là một phần rất nhỏ, của của cái chớp mắt. Tôi đã làm một thử nghiệm, tôi chớp mắt, thế là tôi đang ở thời hiện tại, chớp mắt cái nữa, hiện tại đã thành quá khứ (…), tôi vẽ hiện tại, bằng một dấu chấm bé nhỏ, nhưng bên ngoài đường tuyến tính thời gian. Hiện tại của tôi thế là tồn tại vĩnh viễn, chẳng thuộc về đâu cả, chẳng phụ thuộc quá khứ lẫn tương lai”.
Những ngã tư và những cột đèn – Trần Dần.
Có một ngày chúng dẫn tay nhau vào tận cùng ngõ hẹp của tuổi thơ, vứt lại thơ ngây mình ở đó, mãi mãi, để lớn lên và bước ra ngoài mê lộ cuộc đời, mỗi đứa chọn một ngả rẽ và trở thành kẻ khác. Nhưng không phải ngả nào cũng là một lựa chọn, đó có thể chỉ là sự đưa đẩy vô tình bởi một thành phố láo nháo. Láo nháo gió, láo nháo người, láo nháo cả những bước chân lầm lạc.
Có những đêm tím hay đêm trắng, Dưỡng lang thang qua những ngã tư tối căm, không đèn. Nếu có đèn, Dưỡng sẽ đo chiếc bóng của mình để thấy mình sao mà xa lạ, sao mà bú dù, sao mà hủi. Cũng có những ngày, Dưỡng thấy cuộc đời mình bị theo dõi, giam hãm bởi ánh mắt dò xét của kẻ lạ xa cách mình chính xác một khoảng những cột đèn đường trong một lịch trình chính xác những tờ giấy lịch. Ngã tư và những cột đèn là các dấu mốc để con người lựa chọn, định vị mình hay để con người định vị nhau.
Khi tìm thấy nhau con người sẽ làm gì ? Có thể tranh thủ giết nhau khi định vị con mồi trong một ngả rẽ không đèn? Còn chính bản thân một người định vị chính mình để làm gì, nếu không phải là nỗi âu lo về tính bấp bênh trong thân phận mình. Ta vừa có, vừa không, hiện ra mờ ảo như tia ánh bạc lấp lóa trên đầu con sóng.
Trích đoạn nhớ về Những Ngã Tư Và Những Cột Đèn, Cư xá Bình Thới, 31/07/2020 1:54 sáng
(bài viết không được biên tập lại)
những đêm mùa hạ trôi qua, tôi nhìn qua khung cửa sổ bất giác là ánh đèn đường vô tri đứng lặng yên bên những lá bọc quanh rồi giăng tơ mấy cọng dây đèn dây điện. tôi lại nhớ về Những Ngã Tư Và Những Cột Đèn của Trần Dần, một tác phẩm có cách dùng từ như mình đang thưởng thức một bữa ăn lạ mà ăn hoài không chán, biết là nó không tốt cho mình bấy giờ mà vì ham hố sự ngon ấy nên cứ ăn cho đến một lúc nào đó buộc phải cất món ăn đó thật sâu vào nơi tối tăm.
nhìn những tia vàng cam và đen, và những sợi đen chằng qua kéo lại, tôi lại nhớ đêm ấy 1h sáng tôi dạo dưới con mưa lất phất lạnh ở một phố hẻm, là những cảm giác và tình huống ít có khả năng đến lần hai trong đời, nhưng thật ra nhiều cái chỉ có giá trị khi nó là duy nhất, như bạn đến một con đường mới thì bạn sẽ chú ý cảnh vật, còn con đường bạn đến cơ quan trường học mỗi ngày thì đã chán ngấy lắm rồi. là một đêm tôi lại nhớ về khung cửa sổ tầng 29 đầy gió, là một đêm tôi nhớ căn phòng kín máy lạnh của anh tôi, là phải nhớ về hình ảnh dây điện bóng đen ám tường xanh thành bức tranh trừu tượng hai màu đáng lạ.