Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ dạy ai, ít nhất cho đến trước khi tôi bị chị đuổi khỏi nhà ở Saigon, tận 2 lần, vì sống như một đứa chán đời bất cần. Và đương nhiên khi bị đẩy tới đường cùng thì bản năng người ta trỗi dậy, tôi tìm cách để tôi nuôi sống tôi, và cũng may mắn khi những thầy cô tôi là những người giúp tôi trên quãng đường sỏi mòn đó. Vì vậy mà tôi thấy cái thứ mạt hạng như tôi chẳng qua ăn may thời thế, được người ta giúp đỡ, chứ cũng không phải loại giỏi dang gì.
Thậm chí những tháng đầu đi dạy tôi còn chẳng nghĩ mình sẽ dạy đến tận bây giờ. Nhưng lạ là, tôi không chọn sư phạm vì sư phạm, tôi chọn sư phạm vì tiền học ít, nhưng sư phạm không chọn tôi vì tôi đáng thương, sư phạm chọn tôi vì sư phạm. Các bạn sinh viên của tôi gọi tôi bằng “thầy”, dù cái thứ như tôi chẳng đáng nửa chữ.
Một thời gian khổ đau đại học, tôi cũng tìm rượu bia và thuốc lá. Khi tôi còn sống ở một khu ổ chuột quận 10, tôi và ba người bạn chia nhau điếu Jet, leo nóc nhà trọ, hút thuốc, ngắm nhìn bầu trời đen, tiếng ngói kêu lên theo tiếng bước chân chúng tôi đạp, cuộc đời lúc đó đen như bầu trời, phía dưới là cống rãnh tanh hôi, là những lo toan và đen xám, phía tôi là vô định và hoang mang, phía xa là ngọn đèn của những chung cư và cao ốc, văng vẳng tiếng còi công an cấp cứu – bất an, bầu trời bị gạt sạch màn đen bởi ánh điện.
Và những buổi chiều chúng tôi ra đồng uống strongbow, một chai không đá, như những buổi chiều tháng 8, và nghe Chim Líu Lo, cái giai điệu rộn ràng quấn quấn lấy trái tim vỡ tan tành của chúng tôi. Chúng tôi nhìn ngoài khơi ruộng xa, khói trắng bay là đà tiễn đưa một đoạn đầu đời thơ ngây của tôi.
Rồi cũng qua hết, thật may khi lúc đó tôi không ngừng vận động, và tôi vẫn giữ suy nghĩ, “cái gì không vận động được thì cứ để thời gian kéo qua, cứ im lặng nhẫn nhịn chờ thời”, dù tôi lúc đó chẳng biết cái thời của tôi sắp gặp sẽ là địa ngục hay thiên đàng. Nhưng thật vui khi thời gian trôi, rồi tôi cũng sống bớt ngợm, tôi thành người từng chút một.
Và những năm tháng qua đi, sư phạm vẫn đeo bám tôi, như tôi vẫn lếch theo chương trình ở trường sư phạm. Tôi học bao nhiêu năm đại học là tôi có bấy nhiêu kinh nghiệm đi dạy, và tôi dạy các em từ chính những chất liệu tôi trải qua.
Mà tôi cũng không dám ngộ nhận, cũng không dám nói đến hai chữ tự cao, vì những thứ mình trải qua suy cho cùng chỉ một đoạn nhỏ trong đời, và trong đời còn nhiều thứ dã man hơn, nhiều thứ tai ương hơn.
Nhưng có lẽ cái tôi của tôi vẫn bắt tôi kể, tôi kể các em về Đại học, tôi kể các em về làm thêm, tôi kể các em về những bất lực chẳng bao giờ giải quyết được bằng rượu bia và thuốc lá, tôi kể các em về đời, tôi kể các em về người, tôi kể các em về những tâm và tối, về những lòng và dạ, về niềm tin và sự thất vọng, về những thành tưu và mất mát, về nỗ lực và đền đáp, về nỗ lực và sự thật phũ phàng.
Tôi không nhớ tôi kể bao nhiêu, nhưng trong những buổi chiều tàn tôi đã kể rất nhiều, và có lẽ đó là những điều học trò muốn nghe, tất cả học sinh đều muốn nghe những câu chuyện.
Càng đi dạy, tôi càng phải đào sâu tìm kỹ, tôi phải cần những lời giải thích, vì sao những cấu trúc đó như vậy, tại sao người ta lại sanh ra câu Bị động, tại sao mệnh đề quan hệ phải nằm ngay sau đối tượng nó bổ nghĩa, tại sao lại phải học Hiện tại hoàn thành… tôi như con gà trống đào bới lên tất cả, tôi muốn hiểu mọi ngóc ngách của những gì tôi dạy, ít nhất là những gì tôi hiểu được trong cái đầu nông và cạn của tôi.
Càng tìm tòi, tôi càng nói nhiều và giảng nhiều, càng tìm tòi, tôi càng trở nên im lặng và thấy tốt nhất mình nên im đi, vì mình không biết điều gì cả, càng tìm tòi, tôi càng thôi thúc tôi phải quay lại giảng đường, càng tìm tòi, tôi đi đến đường cùng, là một tôi trên con đường dẫn đến tri thức, nhưng con đường bỗng biến mất, chỉ có tôi trong vũ trụ mênh mông, và tôi tự tìm lối đi, tôi như người trong ảnh minh họa quyển “Zarathustra đã nói như thế”, dù tôi không hiểu ý nghĩa bức tranh, và tôi không chắc mình có đang ngộ nhận, nhưng ít ra, đứng trước cái mênh mông vô cùng, tôi choáng ngợp, nhưng cũng không hoang mang cho lắm.
Sự học là gì, tôi đang học vì điều gì. Tôi tự hỏi, nếu nói tôi “học” theo đúng nghĩa học, nghĩa là tôi chỉ học khi tôi bắt đầu đi dạy, tôi học vì tôi tò mò, tôi muốn có câu trả lời, như tôi-bảy-tuổi nhìn lên tấm áp phích tuyên truyền trước ủy ban, và hỏi mẹ tôi “mại dâm là gì”, tôi nhìn mọi vấn đề bằng một cặp mắt tròn xoe, tôi muốn có câu trả lời, tôi muốn biết vì sao nó lại như vậy, và hơn hết, tôi không sợ học sinh sẽ hỏi tôi, thậm chí tôi muốn học sinh hỏi tôi, vì đó là động lực để tôi tìm hiểu, và tôi muốn học, để thỏa mãn cái khát khao được chia sẻ của tôi. Và rồi tôi đưa chữ “học” về đúng nghĩa của nó, hoặc ít nhất là đúng đối với tôi. Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình, là những gì tôi được học ngày tôi còn là học sinh.
Viết là một hành trình nhìn nhận bản thân, vì viết đến đây tôi nhận ra tôi là kẻ thích chia sẻ, tôi muốn kể cho cả thế giới nghe về những gì tôi biết được, và tôi biết tôi đã đặt một chân vào nhà của người đi dạy, nhưng tôi cũng đặt một chân vào ngôi nhà của kẻ lắm lời. Và tôi thì vẫn cố cân bằng, như một người đi trên dây.
Có lẽ những bài thuyết trình của tôi được đón nhận, là vì tôi thích chia sẻ, và tôi chia sẻ vì tôi nói nhiều, và tôi vẫn có khả năng độc thoại nội tâm thành lời hoặc không thành lời. Cũng chính nhờ bốn, năm năm ròng rã “xuống Saigon, về Tây Ninh” đã cho tôi một không gian để tôi mơn man trong chính những dòng tư tưởng của mình.
Tôi chỉ là một người hướng dẫn, tôi là một người thuyết trình, có tấm bảng và cây bút, tôi chia sẻ những gì tôi biết đến tất cả những ai quan tâm.
Việc tôi làm thỏa mãn cái tôi tò mò, cái tôi muốn chia sẻ.
Có lẽ chỉ như vậy.