Tôi đến triển lãm “White Blank” được tổ chức tại Galerie Quynh hôm 6 tháng 12. Sài Gòn của hôm đó trời không quá oi, thích hợp để ghé qua triển lãm. Khoảng chín rưỡi tôi đến nơi, nhưng do còn sớm nên tôi ngồi ở ghế đá trường cấp hai đối diện để đọc ít sách.
Tôi có thói quen nghe một playlist nhạc lúc xem triển lãm, phần để mình dễ đi vào từng tác phẩm, phần để át bớt tiếng người hoặc tiếng bước chân có thể làm ảnh hưởng đên quá trình tiếp xúc của tôi với các tác phẩm. Nhưng việc chọn một playlist nhạc cũng khó, vì mỗi playlist nhạc sẽ đem cho tôi một trải nghiệm khác nhau khi tiếp xúc với nghệ thuật.
Lần này tôi chọn nghe playlist “VN the vertical ray of the sun” – các bài hát có trong phim Mùa Hè Chiếu Thẳng Đứng. Dù lúc đó tôi muốn nghe các bài hát trong phim Mùi Đu Đủ Xanh, nhưng tôi không tìm được playlist nào của phim này.
Như thường lệ, không gian triển lãm Galerie Quynh khá rộng, gồm tầng trệt, lửng và tầng trên. Tôi khá tiếc vì lần này không được phép chụp hình, dù sau đó tôi thấy vẫn có một vài chiếc điện thoại vẫn được giơ lên, nhưng tôi vẫn quyết định chỉ ghi chép lại để tôn trọng nội quy, cho nên các bức ảnh trong bài viết này tôi đều lấy từ trang web của Galerie Quynh.
Nếu ai từng xem qua các phim Mùi Đu Đủ Xanh, Mùa Hè Chiếu Thẳng Đứng hay Xích Lô thì chắc sẽ biết đến cô Trần Nữ YênKhê, ngoài là một nữ diễn viên xuất sắc, cô còn là một người thực hành sáng tác nghệ thuật. Triển lãm lần này trưng bày các tác phẩm trong hành trình nghệ thuật của cô.
Trắng nghe như sự im lặng, là hư không trước mọi khởi đầu
họa sĩ Wassily Kandinsky
Triển lãm White Blank khó hiểu hơn so với những triển lãm trước đây tôi từng xem. Với tôi, triển lãm này không có một chủ đề cụ rõ ràng nào, nhưng đây là một lát cắt để tôi suy nghĩ về sự “tương phản”. Với gần 30 tác phẩm, triển lãm White Blank đã thể hiện rõ sự tương phản này thông qua những sự mềm mại và cứng cạnh (cứng rắn, góc cạnh).
Trung tâm của triển lãm là một khối trắng mềm mại nhưng không có hình dạng cụ thể. Giữa không gian triển lãm, khối vật chất này như có linh tính, tự thân vận động hoặc đang chịu tác động từ tác nhân bên ngoài. Tôi liên tưởng đến những vật thể dưới đại dương đang chuyển động theo dòng nước sâu. Hoặc cũng có thể nó là một vật thể trên cạn, đang chuyển động theo từng làn gió.
Trong nỗ lực vô vọng tìm kiếm thứ ý nghĩa cụ thể của các tác phẩm này, tôi liên tục bị chìm vào những mảng màu loang ra nhưng đồng thời cũng bị neo lại bởi những hình khối chắc chắn, tương phản cao. Những khối hình làm tôi nhớ đến tựa game Xếp Hình mình chơi khi còn bé , đôi khi chúng cũng trông như những vết sọc trong màn hình tivi cũ. Những khối hình học trong các tác phẩm không tuân theo một bất kỳ một quy luật nào, và đôi khi chúng chỉ là những khối hình trong suốt nhưng có một sức nặng nhất định trong một nền lằng lặng trôi.
Ở tác phẩm BCD.10 khối hình học và những hình thể nhẹ nhàng không còn chồng đè lên nhau nhưng cả hai vẫn có mối quan hệ với nhau theo một cách nào đó khiến ta không thể chỉ nhìn vào một trong hai hình dạng.
Tôi cho rằng sự phân cực hay sự tương phản trong các triễn lãm này thể hiện lên tính nam và tính nữ nhưng cũng có thể thể hiện sự phân cực giữa cái mềm mại với cái cứng rắn, giữa chắc chắn và hoài nghi.
Tổng thể, triển lãm White Blank tạo ra một trải nghiệm mơ hồ nhưng tương phản, với sự hợp nhất giữa mềm mại và cứng rắn, đưa tôi vào một thế giới của hoài nghi và tĩnh lặng, đây là một trải nghiệm thị giác độc đáo mà bạn có thể tham quan.