Triển lãm “Trần Thảo Hiền: 15 năm hành trình nghệ thuật” diễn ra tại Bảo Tàng Mỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 6-8 tháng Năm năm 2022, triễn lãm lần này phần nhiều là tranh tĩnh vật. Dù tĩnh vật trong các tranh của nữ họa sĩ đều có tính tích cực, nhưng tôi bị thu hút bởi những đề tài khác. Vì có lẽ để nhìn được tĩnh vật, ta cần phải tĩnh tâm như vật, nhưng tâm của tôi thì cũng chưa đủ tĩnh để nhìn. Cho nên bài viết này chỉ nói lên vài ý nghĩ về 8 bức tranh mà tôi thích, trong đó có 2 bức là tĩnh vật.
Mùa Nhớ
Bức tranh gợi cho tôi về những miền xa xăm mùa thu, dù tôi nghĩ mình chưa từng có những ngày như vậy, chỉ trừ những chiều mưa xam xám tôi bé con ngồi trong mùa ẩm lạnh, nhưng lạ thay cách tôi nhớ như thể tôi đã thực sự bước qua những ngày mùa thu. Những vệt đen kia, mi là cành cây nghiêng nhìn mặt nước hay chỉ là bóng cây đổ xuống nước? Ôi những chiếc lá trong mùa vàng nhớ thương của tôi.
Nơi tôi sống không có mùa thu. Nhiều lắm thì cũng chỉ là mấy cơn se lành lạnh và những mùi nắng gió thơm khi lá rụng xạc xào. Mùa xuân nơi tôi hoa hoa đua sắc trời thơm, mùa hạ dào dào sản vật, mùa đông lạnh lẽo lả lơi sương sớm lạnh, còn mùa thu lại buộc trọn nỗi nhớ. Có lẽ tôi đang nhớ Hà Nội mùa thu, đúng rồi, Hà Nội đó, mùa thu đó, tôi nhớ Hà Nội năm 2017, như mấy lời hát của Hà Nội Ở Sài Gòn: Tôi thầm nhớ mùa thu Hà Nội / Mùa thu tôi mang trong lòng…
Lối Xuân
Có lẽ đó là một sáng cuối đông đầu xuân. Một con đường nơi xa, nơi nền văn minh đã đến: con đường, hàng cây thẳng tấp. Nhưng sự hiện đại còn chưa về nên cảnh vật vẫn vốn là nó, chính nó, và trong nó còn nhiều lắm là tự nhiên thuần khiết. Những mảng màu biển như khói bay, có phải do sự dịu yên của cảnh vật mà bầu trời cũng nhẹ nhẹ nhàng nhàng?
Trong Vườn 1 và Trong Vườn 3
Trong Vườn 2 ở đâu, tôi tự hỏi: Liệu mình đã bỏ qua Trong Vườn 2? Tôi không biết, có lẽ Trong Vườn 3 được tạo ra bằng cách áp Trong Vườn 1 vào tờ giấy mới, vì tôi thấy nhiều điểm tương đồng bổ trợ cho nhau giữa hai bức tranh này. Nhưng tôi nghĩ cách nhìn của mình thật ngu si và buồn cười.
Những chi tiết của Trong Vườn 3 hút lấy tôi, tôi ngắm những gân lá, tôi muốn chạm vào và tự hỏi đó có phải là những gân lá thật hay là do đôi bàn tay của họa sĩ tạo nên?
Bên Cửa Sổ Hôm Nay
Bức tranh Bên Cửa Sổ Hôm Nay của nữ họa sĩ Trần Thảo Hiền thật nữ tính, Tôi nhớ đến những bộ phim phương Tây mình từng xem, tôi như đang ở góc nhìn của những người phụ nữ cổ điển, có lẽ đây là căn phòng trong nhà bếp. Tôi vẫn thích được ngồi ở một nơi như vậy. Những vàng kia có thể là ruộng lúa đã chín, có lẽ mùa thu hoạch đã đến. Màu vàng cho tôi cảm giác về những sự đủ đầy, như là thành công, như là bội thu, như là thịnh vượng.
Dù vàng là màu nổi bật nhưng vàng không lạc lẫm, mà hòa quyện với màu đen và sắc xanh thấp thoáng kia, mang cho tôi một sự ấm áp lạc quan. Hai lọ hoa vẫn tươi, lê vẫn chín ngon, có lẽ căn phòng có người, và người đó phải nữ tính lắm, tinh tế lắm mới có một không gian thế này.
Bình Minh Ngày Mới
Mặt trời lênh đênh trên mặt nước, lòng tôi lênh đênh như mặt trời. Y như là: trời đất dậy rồi, cảnh vật dậy rồi mà sao lòng tôi như mặt trời trôi sông.
Bình Minh
Có lẽ họa sĩ Trần Thảo Hiền vẽ một dòng sông và cảnh vật chuyển động nhanh, mà vẽ thì chỉ có thể tạo ra những sự ảnh ảo về sự trôi nhanh đó. Bức tranh như hình tượng hóa thời gian của tự nhiên, chẳng có đồng hồ, cũng chẳng có giờ phút gì ở đây, nhưng thế gian vẫn chuyển động, đời người vẫn trôi, chúng ta lớn lên và tịnh tiến về cái phía xa như chiếc đồng hồ vẫn liên tục xoay kim.
Dấu vết trên cát sẽ mất hết khi những làn sóng liếm qua, tất cả chúng ta rồi sẽ không còn dấu vết trên dòng thời gian, họa chăng là những người như Nguyễn Du, Van Gogh thì người đời sau mới biết đến. Dù sao đi nữa, mặt trời vẫn lên, những sóng và nước vẫn trôi. Một bức tranh thật đẹp về thời gian.
Tình Yêu Vĩnh Cửu
Liệu có phải sự héo hỏng của quả lê là biểu trưng cho sự héo hon của người, nhưng hoa lại vẫn tươi mới, có lẽ sự tươi mới của hoa là do vẫn có người thường thay hoa và châm thêm nước. Liệu có phải người vẽ nên bức tranh này muốn nói rằng Tình Yêu Vĩnh Cửu không chỉ là một tình yêu toàn vẹn hai người, mà cũng có thể là người đi kẻ đợi.
Hay như một tầng nghĩa khác tươi sáng hơn, hai quả lê già đi, nhưng vẫn là hai quả lê bên nhau, và hoa thì vẫn luôn mới như tình cảm của họ, và nước trong lọ hoa vẫn còn mới, không đục đi như họ vẫn luôn vun đắp cho tình yêu đó. Khung cảnh không tươi sáng như Bên Cửa Sổ Hôm Nay, vẫn có màu vàng đó, như vàng đã có thêm nâu, không còn thịnh vượng đủ đầy, mà đã sâu hơn, nhẹ hơn và giản dị hơn.
Nhìn chung, các tranh của họa sĩ Trần Thảo Hiền được trưng bày ở triển lãm này thì nhẹ nhàng, tinh tế và nữ tính. Chúng ta chỉ cần đứng trước tranh là cũng thấy được những tính từ như vậy, nhưng nếu dành thời gian đủ lâu, ta sẽ hiểu thêm về sự nhẹ nhàng, tinh tế và nữ tính đó qua cách họa sĩ sử dụng màu sắc, đường cọ và ý nghĩa của từng sự vật trong tranh.
Ban đầu khi mới bước vào không gian triển lãm, tôi thấy các bức tranh cũng bình thường, nhưng khi bước vào không gian phía trong, tôi có thể dành nhiều thời gian hơn để nhìn các tác phẩm của cô, lúc này những suy nghĩ của tôi mới bắt được tần số của những bức tranh, cũng từ đó mà bài viết này ra đời.