Tuổi thơ trong chúng ta
Ai trong chúng ta cũng có một tuổi thơ riêng. Với nhiều người, tuổi thơ là cơn gió thoảng qua từng vạt ngọn lúa chín vàng, đó là những chiều chăn trâu, bắt vài con cào cào châu chấu trên những cánh đồng mênh mông xanh, nơi mà những cánh cò cánh vạc bay mãi về nơi xa.
Tuổi thơ cũng có thể là những ngày theo cha đi nhổ mạ, những chiều cùng mẹ thổi cơm khói mù gian bếp, tuổi thơ đôi khi chỉ đơn giản là những nồi canh, những chảo cá kho đậm đà thơm phứt, cay cay mùi tiêu mùi hành.
Cũng có người thường trải qua thời ấu thơ ở vùng sông bến nước, họ lớn lên cùng những hàng dừa, con đò và những nhịp cầu bắt ngang con sông sau nhà. Có lẽ đó là nơi mỗi chiều họ thường trốn ra cùng bè bạn ríu rít đủ thứ trò, là ô ăn quan, nhảy lò cò, bắt cua bắt ốc đến leo cây hay làm ná bắn chim, lâu lâu thì nổi hứng đi thám hiểm bờ sông hay chọc phá những xóm giềng xung quanh.
Tuổi thơ trong văn học
Trong thơ ca của Phạm Hổ, những vần thơ như những chiếc cầu tre đưa ta về với thuở hồng xưa, về với những ruộng lúa những bãi sậy, về với những ngày ánh dương ló rạng dưới chân đồi, hoặc đơn giản: về với ký ức ngày thơ.
Anh đom đóm ơi!
Đèn anh xanh ngắt
Gió thổi không tắt
Anh xách đi đâu?
Tôi ra đầu cầu
Cho cóc tối tối
Đi học bình dân
Rồi tôi đến trường
Làm đèn bạn học.
(trích quyển Chú bò tìm bạn)
Ở Nguyễn Nhật Ánh, tuổi thơ vừa là niềm mến thương vô bờ, là khúc hoan ca cho những đứa trẻ sắp lớn, lại là khúc nhạc buồn cho người đã lớn. Ở nhà văn, tuổi thơ là cành phượng vĩ rực cháy ngày Hạ Đỏ, là Mắt Biếc đong đầy màu tím hoa sim, là mối tình non trẻ của Trường dành cho chị Ngà trong tác phẩm Đi Qua Hoa Cúc.
Tuổi thơ trong văn của Nguyễn Ngọc Tư là một nốt trầm sâu sắc, vẻ đẹp thời niên thiếu của chị thì ít mà cái buồn thì lại bao trùm, có đôi khi tôi nghĩ vùng con sông cái nước miền Tây thì phẳng lặng lắm, nào có ầm ầm như cửa bể? mà lắm khi chính cái sự phẳng lặng ấy đã nhấn chìm người ta xuống cái đáy hôi tanh của nó.
Ở chị Tư, tuổi thơ là những số phận hẩm hiu khổ cực. Đó là Lụm Còi bơ vơ lạc lõng, luôn khát khao ngóng chờ vòng tay của mẹ. Tuổi thơ là những ngày buồn thằng bé Sói trong Ấu Thơ Tươi Đẹp. Còn với Nương và Điền trong “Cánh đồng bất tận”, tuổi thơ là chiếc ghe, đàn vịt và những cái xấu xa nấp sâu bên trong mỗi con người.
Tuổi thơ trong tôi
Được sinh ra trong một thị trấn nửa thành thị nửa thôn quê, tuổi thơ của tôi là vườn cây đủ loại, nào xoài nào cóc, mận, thanh long, dừa xiêm hay sa-kê. Tuổi thơ của tôi cũng ràn rụa nước mắt khi cứ phải chia tay bọn chó mèo, khi chúng lớn lên là bỏ đi biệt tăm biệt tích.
Tuổi thơ là quãng thời gian tôi biết vui khi nhận được tiền mừng tuổi vào mỗi độ xuân về hay biết buồn khi nhà tôi bán con lợn mà tôi vặn óc cả tháng trời để chọn cho nó một cái tên thật oách – Đầu Trọc – bởi lợn thì có tóc bao giờ.
Tuổi thơ tôi cũng là những vạt lúa trải dài tít tận bìa rừng, nơi mà tôi nghĩ có bộ lạc ăn thịt người ở đó. Dù sợ đến mấy, tôi vẫn không thể cưỡng lại những bầy cá con đang lượn lờ trong thửa ruộng trước nhà. Nhưng tôi vẫn thủ cho mình cái gậy để phòng thân trước lũ mọi rợ. và cả rắn nữa. Dù tôi vẫn chắc chắn mình sẽ chạy trước khi kịp vung cái gậy nào vào đầu chúng.
Đôi khi tuổi thơ của tôi cũng ướt nhẹp vào những ngày mưa dầm dề, nước dâng lên tận thềm nhà. Mỗi tối ếch nhái lại râm ran dạ khúc đồng quê với cái trống cái là tiếng con ểnh ương kêu ổn ểnh làm cả tuổi thơ tôi cứ đinh ninh đó là tiếng con vượn trong câu ca dao: “Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu”. Có lẽ từ những đêm nghe tiếng mưa rơi và “dạ khúc lưỡng cư” ấy mà tâm hồn tôi đã tự gánh cho mình một nỗi “buồn nhân thế”.
Nhiều năm về sau, mỗi khi mưa rơi, đâu đó trong tâm hồn tôi lại khơi lên một nỗi “buồn” miên miên man man. Nhưng cũng thật khó để xác định đó là buồn ai, buồn gì.
Tuổi thơ của tôi cũng là mùa hè bỏng da, tay cầm lon nước ngọt, uống xong thì mồm đứa nào cũng đỏ choét, môi phồng lên vì đá lạnh, cái nóng mùa hè cũng nhờ những chai nước ngọt mà dịu đi. Tuổi thơ cũng là những bánh cua ăn không bao giờ no, là khúc bánh chưng mỗi tết ăn đến ngán, là chén cơm đã nở thừ lừ mà vẫn chưa hết.
Tuổi thơ cũng gói gọn trong miếng bánh tráng ngon nhất-thế-giới mua ở căn-tin trường cấp Một, thứ mà mãi về sau tôi chẳng thể tìm mua nữa. Mà dù có mua được thì sau bao năm, liệu cái bánh tráng chỉ độc muối và xì dầu có còn cuốn hút tôi như xưa?
Tôi luôn nghĩ: “Bất kỳ ai cũng sẽ có định nghĩa về Tuổi thơ của riêng mình”. Tôi quan niệm: “Tuổi thơ tính từ khi sinh ra tới lúc mình cảm nhận được những xô đẩy của cuộc đời, nhưng khi nhìn lại chỉ thấy một thời đã xa nay càng xa, chẳng thể quay lại được”. Nhiều khi tôi thầm mong có chuyến tàu một chiều ngược dòng thời gian quay về quá khứ, lúc giọng tôi còn trong, răng vẫn còn sâu, khi trong suy nghĩ chỉ còn duy nhất một câu:“ Chiều nay chơi gì đây ta”.
Cảm nhận về thời gian
Biểu đồ bên dưới là “Cảm nhận về thời gian”. Quãng thời gian từ khi sinh ra tới lúc đã đi được ¼ cuộc đời là lúc thời gian trôi qua chậm nhất, cũng là lúc mà ai cũng ước mình lớn thật nhanh. Nhưng thời niên thiếu rồi sẽ sớm kết thúc, thời gian sẽ tăng tốc như chuyến tàu đứt phanh. Đến lúc nào đó, chúng ta lại muốn trở về tuổi thơ, tránh xa những vất vả bộn bề của cuộc sống. Nhưng thứ còn lại chỉ là những dòng ký ức phân mảnh.
Có những thứ mất đi rồi, ta mới nhận ra giá trị của nó
“Có những chiều mưa bay, tôi nằm nhớ cái ngày mình hay ngồi với dì, xếp thuyền giấy thả trước sân nhà. Hoặc khi được nằm trên chiếc võng giữa hai cây khế ngoài vườn, tôi bỗng nhớ se sắt những người thân ở quê, chìm đắm trong ký ức cũ; đến khi rời khỏi, thấy như mình vừa trải qua một giấc mơ đẹp, phải đối diện với sự thật rằng người cô, người cậu của mình đã mất, rồi những người bạn đều đã đi xa… Tất cả khiến tôi thổn thức, cảm giác rất tức ngực. Nhìn lại, thấy mình đã đi quá xa tuổi nhỏ…” – Nguyễn Nhật Ánh.
Ai rao bán ngày xưa
Cho tôi mua một nửa…