Q u ê H ư ơ n g

Một đêm tháng hai, trong rất nhiều đêm tháng 2 đã trôi qua, cũng giống như những lần tôi tự hỏi: Thế nào là quê hương? Có rất nhiều cách định nghĩa quê hương, như mấy câu ca dao ngày bé: Quê hương là chùm khế ngọt. Cũng có người định nghĩa quê hương là nơi cha hoặc nơi mẹ sanh ra, đó cũng có thể là nơi chôn rau cắt rốn của tôi.

Que-Huong-1-Phuongthengoc

Quê hương của tôi là gì? Tôi tự đặt ra câu hỏi triết học, mà cũng có thể không phải là câu hỏi triết học. Tôi muốn hiểu: Thế nào là quê hương? Liệu quê hương có phải chỉ là nơi ta sinh ra hoặc nơi ta lớn lên, hoặc cả hai điều đó?

Ngẩng đầu nhìn trăng sáng,
Cúi đầu nhớ cố hương.

trích Tĩnh Dạ Tứ – Lý Bạch

Thế nào là quê hương? Để trả lời, tôi nghĩ chỉ có triết học mới giúp đỡ được tôi. Mà thực ra đã rất nhiều lần tôi tìm đến triết học như một kẻ say rượu tìm đến rượu, như một kẻ tuyệt vọng tìm đến chất kích thích. Tôi tìm đến triết học, nhưng tôi lại rơi vào hố sâu của triết học khi tôi lại đặt thêm nhiều câu hỏi khác, và cái hố đó, thì, có lẽ, theo một cách nào đó, không tệ bằng cái hố của rượu hay chất kích thích.

Tôi không biết nữa, thế nào là quê hương? Tôi tự hỏi quê hương có phải là những ngày mình còn bé? Tôi còn nhớ những ngày cấp Một, tôi lúc đó hay nhớ về những ngày hai ba tuổi, mọi ký ức giống như những hình ảnh của chiếc đĩa CD dập.

Lớn một chút, tôi nhớ về những ngày lớp Hai lớp Ba của tôi. Khi tôi lên cấp Hai, quê hương của tôi là nơi mà những ngày cấp Một tôi đã rong chơi. Tôi nhớ ngày lớp Ba tôi đã ý thức về tình bạn, tôi viết những câu hát như: Một thời thơ ấu không thể thiếu tình bạn/Một ngày đoạn tháng không thể thiếu thời gian. Nhưng thật tiếc khi tôi bé con toàn bị hụt hẫng.

Những ngày lớp Sáu tôi nhớ về cấp Một, và cả cấp Hai tôi nhớ về mùa hè lớp Sáu tôi ngồi chơi điện tử, và càng sướng hơn nếu ngày đó chỉ có tôi ở nhà. Đến những ngày đầu lớp Mười, tôi ước quay về học lớp Chín, tôi học những bài Ngữ văn thương mến, tôi nhớ những chiều nhá nhem, tôi nghe những câu Kiều: Buồn trông gió cuốn mặt duềnh/ Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.

Hay triết lý con đường của Lỗ Tấn – Một nhà văn mà ngày đó tôi chẳng thể nào biết ông sẽ là một phần ký ức của những ngày đại học của tôi. Tôi lại lan man nữa rồi.

Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi

Truyện Kiều – Nguyễn Du

Những ngày lớp Mười Hai tôi nhớ về những ngày lớp Mười, Mười Một, có vẻ quê hương của tôi đã dừng ở đó. Có lẽ quê hương của tôi là những ngày xưa cũ đó, và tôi biết quê hương của tôi những ngày đó lại là những ngày cũ kỷ hơn. Thật khó để định nghĩa quê hương, khi càng định nghĩa thì quê hương trong tôi lại quay ngược về những ngày nguyên sơ, những ngày phố tôi còn sương, tôi năm tuổi, những ly cà phê, những ngày đã cũ, tôi vẫn còn nhớ, tôi vẫn còn nhớ.

Có lẽ dù tôi viết một ngàn, mười ngàn từ nữa hay tôi viết nên những kiện văn dài dằng dặt, thì có lẽ tôi cũng chẳng định nghĩa được quê hương. Vậy quê hương là gì… quê hương là gì… tôi chẳng thể nào định nghĩa được. Có phải quê hương chỉ là một thứ gì đó xa xăm, mà người ta vẫn nhớ, nhưng người ta chẳng thể nào nhìn qua được lớp sương sương mờ mờ kia.


“And when this dust falls to the urn,
In that state I came, return.
Và khi tro bụi rơi về,
Trong thinh lặng đó, cận kề quê hương.
Henry Vaughan 1622 – 1695 (The Retreat)